Trong bài viết này, tôi sẽ giúp bạn sàng lọc giữa hàng ngàn tùy chọn overdrive và hiểu rằng chúng cơ bản đều xuất phát từ sáu kiểu pedal chính. Chúng ta sẽ làm cho mọi thứ phức tạp trở nên đơn giản, và tôi hoàn toàn sẵn sàng cho việc đó. Tôi là một mọt sách chính hiệu, tôi giống Indiana Jones nếu ông ta ở lại lớp dạy khảo cổ học thay vì đi tìm Chén Thánh, hay giống Hiếu PC với pedal guitar thay vì máy tính vậy.

Trên thị trường có hàng ngàn pedal overdrive, với những mẫu mới được ra mắt gần như hàng ngày. Thật dễ choáng ngợp khi cố tìm hiểu overdrive nào phù hợp với bạn, bạn thích chiếc nào, vì sao thích, và tại sao lại không thích những chiếc khác. Vì vậy, bài viết này cực kỳ đơn giản: tôi sẽ phân loại sáu nhóm overdrive khác nhau, chỉ cho bạn đâu là đặc trưng, ví dụ những pedal tiêu biểu, để bạn hiểu toàn bộ chúng trong cùng một khung tham chiếu. Hy vọng sau bài viết này bạn sẽ hiểu vì sao mình thích cái này, không thích cái kia, và có thể khám phá thêm vài lựa chọn mới.

Bắt đầu thôi.


1. Soft Clipping / Tube Screamer

Nhóm đầu tiên là phổ biến nhất, được dùng nhiều nhất và quen thuộc nhất. Nó đã xuất hiện từ cuối thập niên 1970. Đó là loại soft clipping overdrive. Loại đầu tiên trong thể loại này mà bạn chắc chắn đã thấy và có thể yêu thích (hoặc có thể ghét) là Tube Screamer.
Thật lòng mà nói, Tube Screamer giống như mì gói trong thế giới guitar: Mọi người đều thầm yêu thích nó, chỉ là một số người ngại thừa nhận điều đó. Nhưng loại pedal này nổi tiếng không phải vô cớ. Vì đó là một mạch thật sự tuyệt vời. Tube Screamer đã bị clone, sao chép, chỉnh sửa… cả ngàn lần. Đến mức khi bạn biết pedal guitar đầu tiên ra mắt khoảng năm 1962, thì Tube Screamer đã là một bước tiến lớn trong sáu chục năm qua.

Trong nhóm soft clipping có rất nhiều phiên bản khác nhau của mạch này, ví dụ như KHP Immoral Drive một số version Tube Screamer trong một. Ngoài ra còn có EarthQuaker Plumes, Seymour Duncan 805, Fulltone Full-Drive, BOSS SD-1 Super Overdrive, và cả Electro Harmonix East River. Điểm nhận dạng của Tube Screamer là nó không transparent: nó nhấn mạnh dải mid, giúp guitar cắt trong mix tốt, tạo cảm giác dày dặn và bão hòa hơn so với các soft clipping khác.


2. Soft Clipping / Bluebreaker

Nhóm thứ hai trong nhóm soft clipping là Bluesbreaker-style, ra đời trong thập niên 1990 khi Marshall giới thiệu pedal Bluesbreaker dựa trên amp cùng tên. Analogman đã thiết kế King of Tone trên nền mạch này, khơi mào trào lưu cho nhiều hãng thử sức với mạch này.

Ví dụ như Morning Glory, Fox Catcher, Black Box Overdrive, Butah của CMAT, hoặc Pantheon của Brian Wampler. Điểm khác biệt giữa Bluesbreaker và Tube Screamer là: Bluesbreaker transparent hơn, tức là âm thanh vẫn giữ đúng tinh thần guitar và amp gốc, chỉ thêm chút độ “bẩn” tinh tế, trong khi Tube Screamer thì tạo dải mid không "tự nhiên" nhưng theo một cách tốt.

Và cũng giống như Tube Screamer, tất cả các biến thể của Bluesbreaker đều hơi khác nhau. Chúng có thể có một số thay đổi nhỏ, với âm thanh và những thứ mà những người làm pedal như tôi thích làm với thiết kế của mình, nhưng tất cả đều là pedal theo phong cách Bluesbreakers.


4. Hard Clipping / Overdrive & Distortion

Nhóm tiếp theo là hard clipping, trái ngược với soft clipping của Tube Screamer và Bluesbreaker (có diode trong vòng lặp op-amp, nên không “xén” hoàn toàn), hard clipping đặt diode ở cuối mạch, nên toàn bộ tín hiệu guitar đều bị “xén” thô hơn. Hard clipping không mượt mà, dễ chịu bằng soft clipping mà khá “gắt”... Nói chung cực kỳ thú vị.

Dạng hard clipping đầu tiên tôi muốn nhắc đến là kiểu overdrive/distortion thập niên 1970. Hai ví dụ điển hình là DOD Overdrive Preamp 250 và MXR M-104 Distortion +. Chúng ra đời trước soft clipping, và gần như giống hệt nhau. Tuy nhiên, qua nhiều năm, rất nhiều người đã tinh chỉnh mạch này và sáng tạo ra nhiều biến thể khác nhau dựa trên ý tưởng đó — sử dụng op-amp, đẩy tín hiệu qua diode, và tạo ra hiện tượng hard clipping lên sóng âm và tín hiệu.

Tôi thích bản cổ điển như Distortion + và DOD 250, nhưng còn nhiều lựa chọn tuyệt vời khác. Black Arts Toneworks Quantum Mystic là một bản DOD 250 với EQ mạnh mẽ. Spiral Electric FX Yellow Spiral Drive cũng rất hay. Daredevil Drive-Bi mạnh mẽ hơn, và dĩ nhiên không thể bỏ qua Fulltone OCD – có rất nhiều biến thể trong nhóm này.


4. Hard Clipping / Klon Centaur

Có nhiều biến thể hard clipping có ranh giới nằm giữa overdrive và distortion, nhưng không gì so được với Klon Centaur. Ra đời giữa thập niên 1990, nó là một biểu tượng. Mọi người đều bị ám ảnh bởi pedal này. Mặc dù là hard clipping, nhiều người nhầm lẫn nó là Bluesbreaker hay Tube Screamer. Nó không phải. Đây là mạch độc nhất vô nhị, khá độc đáo. Đặc điểm kỳ lạ nhất là núm gain gồm hai chiết áp xoay cùng lúc, blend tín hiệu gain với clean. Vì thế, bạn luôn nghe được tín hiệu sạch xen lẫn với độ "bẩn".

Điều đó khiến Klon Centaur khác biệt so với các hard clipping thường hơi “thô ráp”. Tuy nhiên, tôi cũng phải công nhận chất âm đó đôi khi rất tuyệt. Klon luôn sạch sẽ và có EQ riêng biệt, không đổi dù bạn đặt độ "bẩn" ra sao. Và đúng là người ta vẫn đồn về “diode germanium kỳ diệu” chỉ tìm thấy ở thế giới của Harry Potter. Mọi người nói về chuyện này suốt, và tôi thấy buồn cười mỗi lần nghe ai đó bảo: “Tôi nghe được tiếng mấy con diode kỳ diệu đó,” trong khi cái núm gain thì vặn về 0. Có một vấn đề nho nhỏ thế này: nếu bạn không vặn núm gain trên Klon lên khoảng 60–75% trở lên, thì bạn sẽ không nghe thấy tiếng của diode đâu.

Vậy nên tôi có thể nói chắc rằng mình đứng đâu đó giữa việc là một con “cừu theo trend” và một fan cuồng của con pedal này. Tôi là người sẵn sàng thừa nhận rằng con diode này — hay bất kỳ con diode nào — không phải là thứ không thể sao chép.
Wampler Tumnus là một bản sao rất chuẩn của mạch Klon Centaur, mà giá thì rẻ hơn khoảng 4.800 đô, nên đúng là một lựa chọn tuyệt vời. Dù vậy, tôi vẫn yêu bản gốc. Bởi vì nó là huyền thoại, vô lý, và tuyệt vời — giống như mọi pedal guitar đỉnh cao khác.

Về cơ bản, chỉ cần biết rằng Klon Centaur là một hard clipping. Nếu bạn tăng gain lên hoặc không, thì cuối cùng nó vẫn là một boost pedal thực sự tuyệt vời.

Một số bản Klon tôi ưa thích: Ceriatone Centura, Archer của Rocket, Wampler Tumnus (nhỏ gọn cho board), Joyo Tauren. Yêu nhất có lẽ là Way Huge Smalls Conspiracy Theory.


5. Transistor Overdrive không Opamp

Cuối cùng là overdrive dùng transistor rời, không cần op-amp. Theo tôi, nhóm này là những anh hùng thầm lặng của thế giới overdrive. Ít được nhắc tới và nhiều bạn chưa thử qua. Tôi khuyến khích bạn khám phá. Tin tôi đi, bạn sẽ không hối hận.

Về cơ bản, pedal kiểu này không có soft clipping trong op-amp như Tube Screamer hay Bluesbreaker, và cũng không hard clipping như nhóm trước. Nó dùng các transistor xếp tầng, chồng chất như nhiều pedal boost, hoạt động giống amp tube. Khi bạn vặn to, mọi tầng transistor cùng bão hòa, tạo cảm giác như amp thật.

Bạn thường thấy kiểu này ở fuzz đời đầu, nhưng các ví dụ tôi sắp giới thiệu chắc chắn là overdrive và chúng siêu thú vị. Chúng có độ phản hồi với lực gảy cao – bạn gảy nhẹ vẫn sạch, gảy mạnh nó "bẩn". Thực tế phụ thuộc vào cường độ bạn đánh.

BOSS BD-2 Blues Driver huyền thoại, phiên bản Waza Craft càng tuyệt vời hơn. Đây là một trong những pedal tôi thích nhất, và sự nghiệp làm pedal của tôi bắt đầu khi tôi sửa chiếc này. Robert Keeley Super Phat Mod gom tất cả mod Bluesbreaker cổ điển vào một hộp. Thập niên 1990 có Ibanez Mostortion MT-10 dùng MOSFET và tầng cascading. Danelectro cũng có clone rất chất.


6. Amp in A Box

Trong nhóm transistor rời overdrive có một đề tài song song: “amps in a box” – đúng như tên gọi, ampli đóng hộp. Tôi nghĩ ngay đến ZVEX Box of Rock, dùng transistor tầng tầng như amp và cho âm thanh như Marshall. Những bản khác đáng thử: Wampler Plexi Drive (overdrive kiểu British), tôi thích nhất vì nó gần như y hệt Marshall nhưng giá rẻ và độ noise ít hơn.

Tôi rất thích một vài amp in a box như JHS Twin Twelve (giống Silvertone 1484) và Charlie Brown (giống JTM45 cổ điển của Marshall).


Chắc chắn đáng để thử vài pedal ít ai biết, vì tin tôi đi, ai mà chưa chơi Tube Screamer chứ. Tôi yêu Tube Screamer lắm. Nếu phải giải thích rock-and-roll cho người ngoài hành tinh, chắc chắn chúng ta sẽ gửi pedal này vào không gian. Nhưng luôn luôn nên thử kiểu mới, hiệu ứng mới.

Biết đâu, chỉ một buổi jam bạn sẽ tìm ra “em yêu” mới của mình. Chúc bạn vui vẻ và tìm được overdrive ưng ý!



Reference source

5 types of overdrive pedal every guitarist needs to try

What you need to know about overdrive pedals





Ủng hộ tôi một ly cafe nếu bạn thích bài viết này